Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021: Sẽ là cuộc “so găng” đầy kịch tính
VHO- “Đất nước ta đang từng bước khôi phục để đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Thời gian qua, ngành VHTTDL nói chung và các văn nghệ sĩ nói riêng đã luôn nỗ lực vượt khó để chung tay tạo nên những “liều vắc xin tinh thần”, cùng nhân dân cả nước vượt qua khó khăn. Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 cũng chính là một hoạt động biểu thị mong muốn vực dậy nền sân khấu sau Covid-19”…
Thứ trưởng Tạ Quang Đông và Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành Uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Trần Lưu Quang tặng hoa và cờ lưu niệm cho các Trưởng đoàn Ảnh: LÊ THỦY
Những lời chia sẻ tâm huyết của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tại Lễ khai mạc đã cho thấy sự ghi nhận của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với những cố gắng không mệt mỏi của giới nghệ sĩ sân khấu khi luôn đặt mình vào vị trí xung kích để nói lên tiếng nói của thời cuộc.
Những tiêu chí chấm chọn cụ thể, chính xác
Hơn 600 nghệ sĩ, diễn viên của 14 đơn vị nghệ thuật Trung ương và địa phương khu vực phía Bắc đã tụ hội về Thành phố Hoa phượng đỏ từ 5.11 đến 16.11 với 20 tác phẩm dự thi. Vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên các đơn vị sân khấu kịch nói phía Nam sẽ tổ chức thi riêng ở TP.HCM vào một thời điểm thích hợp.
Có thể nói, Liên hoan đã quy tụ được lực lượng sáng tạo sung sức nhất hiện nay của sân khấu kịch nói, trong đó phải kể tới những cái tên “sáng giá” như: Nguyễn Đăng Chương, Chu Thơm, Lê Thị Thu Hạnh, Lê Chí Trung, Bùi Vũ Minh, Xuân Đức, Minh Nguyệt, Hoàng Thanh Du, NSND Lê Hùng, NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Tuấn Hải, NSND Nguyễn Trung Hiếu, NSƯT Phạm Đỗ Kỷ, NSƯT Sĩ Tiến, NSƯT Phạm Chí Trung, NSƯT Kiều Minh Hiếu… Qua đó thấy rằng, kịch nói đang có một đội ngũ tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ biểu diễn hùng hậu, hoàn toàn có thể đảm nhận vai trò kế cận các lớp đàn anh, đàn chị hơn các thể loại sân khấu khác.
Trao đổi với Văn Hóa, Trưởng ban chỉ đạo Liên hoan, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết: “Sẽ không có sự phân biệt giữa đoàn nghệ thuật công lập hay xã hội hóa, Trung ương hay địa phương, cũng không có sự phân biệt về tuổi tác làm nghề… BTC đã mời một Hội đồng nghệ thuật là những NSND, NSƯT rất có uy tín trong hoạt động nghệ thuật. Công tâm, khách quan để lựa chọn ra những vở diễn hay nhất, những diễn viên tài năng nhất để tôn vinh là cái đích được đặt ra đối với Liên hoan lần này”.
Liên hoan có tiêu chí chấm điểm rất cụ thể về chủ đề, tư tưởng và nội dung cũng như khuyến khích các vở diễn có sự tìm tòi, sáng tạo mới về kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, mỹ thuật, trang phục, kỹ thuật diễn xuất của diễn viên… Đối với nghệ sĩ biểu diễn phải kết hợp được nhuần nhuyễn và tinh tế giữa hành động và tâm lý, hình thể và tiếng nói; phải khắc họa rõ tình cảm, tính cách và hình tượng nhân vật mang tính chuyên nghiệp cao; gây được ấn tượng sâu sắc và cảm xúc tốt đẹp cho người xem. Đặc biệt, khuyến khích những tìm tòi sáng tạo trong các vai diễn; xây dựng nhân vật độc đáo đóng góp quan trọng cho thành công của vở diễn. Bộ VHTTDL sẽ có những hình thức khen thưởng HCV, HCB, HCĐ cho các vở diễn có chất lượng cao, các tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ biểu diễn, nhạc sĩ, họa sĩ có những sáng tạo xuất sắc trong các vở diễn tham gia Liên hoan.
Vở “Đường chân trời” của Đoàn kịch nói Hải Phòng trình diễn ngay sau Lễ khai mạc Ảnh: THÚY HIỀN
Vượt khó đi thi
Như chia sẻ của nhiều nghệ sĩ và lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật, dịch bệnh kéo dài đã khiến các đoàn không thể tổ chức hoạt động biểu diễn, việc dàn dựng vở diễn mới cũng vô cùng khó khăn… Chính vì vậy, sự hiện diện của hơn 600 nghệ sĩ và 20 vở diễn thực sự là những sự nỗ lực của giới nghề. Trong số những vở đăng ký tham gia Liên hoan lần này, có những vở đã được dàn dựng tới hơn 2 năm nhưng vẫn chưa có điều kiện công diễn trước khán giả; ngược lại, có những vở diễn phải dàn dựng gấp gáp trong thời gian ngắn, tranh thủ vừa hết giãn cách để kịp đến với Liên hoan.
Đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu tham gia bốn vở, trong đó Đường chân trời của Đoàn kịch nói Hải Phòng và Non thiêng của Đoàn Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh được dàn dựng chỉ vỏn vẹn trong vòng 1 tháng. NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ: “Nhận lời dàn dựng cho hai đoàn Hải Phòng và Quảng Ninh nhưng vì tình hình dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp ở TP.HCM nên tôi không thể ra sớm được, dù vậy, cả hai đoàn vẫn cứ kiên nhẫn chờ đợi tôi ra Bắc. Trân trọng cái tình và quyết tâm lớn ấy nên tôi đã dốc sức đêm ngày để hoàn thành cho các vở diễn kịp vào Liên hoan. Chúng tôi thậm chí còn chưa có thời gian để nhìn lại và hoàn thiện chỉn chu hơn cho tác phẩm của mình, vở diễn còn chưa kịp ra mắt khán giả…”.
Lần này, có tới bốn đơn vị dàn dựng kịch bản của tác giả Chu Thơm, trong đó có CLB Sân khấu thử nghiệm Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam với vở Lau trắng. Tác giả Chu Thơm cho biết: “Nghệ sĩ sân khấu làm xã hội hóa ở Thủ đô gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt về vấn đề rạp hát và kinh phí dàn dựng. Vì kinh phí quá eo hẹp nên CLB đã phải mượn hội trường của Cục Nghệ thuật biểu diễn để tổng duyệt. Tôi cũng như các anh em trong thành phần sáng tạo và cả nghệ sĩ biểu diễn đều không đặt nặng tiền nhuận bút hay cát-xê biểu diễn. Đơn giản là vì chúng tôi đều mong muốn cho nghệ sĩ xã hội hóa được tham gia sân chơi nghệ thuật cùng nghệ sĩ cả nước để khẳng định sự tồn tại và phát triển của mình”.
Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 sẽ là cuộc “so găng” đầy kịch tính. Một số vở đã được “thử lửa” bằng các đêm diễn và tạo được hiệu ứng tích cực trong giới nghề và khán giả. Chắc chắn, Hội đồng nghệ thuật sẽ phải vô cùng vất vả để có thể “chọn mặt gửi vàng”. Đúng như chia sẻ của Trưởng ban chỉ đạo Liên hoan, Thứ trưởng Tạ Quang Đông, chất lượng là trên hết, các tác phẩm, vai diễn được trao “vàng” phải thực sự xứng đáng là “vàng mười” để tạo nên sự kích thích, động viên to lớn cho những người làm nghệ thuật.
THÚY HIỀN